Kế toán quản trị trong doanh nghiệp
Nếu như ở một số quốc gia như Canada, Mỹ, kế toán quản trị đã trở thành một nghề với những tiêu chuẩn nghề nghiệp xác định (CMA), thì ở Việt Nam, thuật ngữ “Kế toán quản trị” mới chỉ được ghi nhận chính thức trong Luật Kế toán ban hành vào ngày 17/06/2003. Theo đó, kế toán quản trị được hiểu là “việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán”.
Kế toán quản trị còn được hiểu khía cạnh khác là việc thu thập, xử lý thông tin về các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp nhằm cung cấp cơ sở cần thiết để nhà quản trị đưa ra các quyết định điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai.
Sự khác biệt giữa kế toán quản trị và kế toán tài chính
Cả hai hệ thống kế toán đều có chức năng cung cấp thông tin cho nhà quản trị nhằm mục đích điều hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, kế toán quản trị có một số khác biệt so với kế toán tài chính thông thường.
- Kế toán quản trị không bắt buộc phải thực hiện trong doanh nghiệp. Tuỳ theo nhu cầu thực tế, doanh nghiệp có thể duy trì hoặc không duy trì hệ thống báo cáo này. Kế toán quản trị hiện chỉ sử dụng trong các tập đoàn và các công ty có qui mô vừa trở lên.
- Mục tiêu của báo cáo nhằm cung cấp thêm các thông tin chi tiết về một hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Báo cáo của kế toán quản trị chỉ sử dụng trong phạm vi doanh nghiệp, không công bố ra ngoài.
- Kỳ lập báo cáo kế toán quản trị có thể không cố định.
Kế toán quản trị trong doanh nghiệp Việt Nam
Tại nhiều quốc gia, áp dụng kế toán quản trị trong doanh nghiệp không hề mới, nhưng tại Việt Nam, kế toán quản trị chỉ thực sự được tìm hiểu vào đầu những năm 90 và được nghiên cứu có hệ thống từ năm 1999. Khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cho thấy, đến nay kế toán quản trị chỉ tồn tại dưới hai mô hình.
Với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hệ thống quản lý chủ yếu dựa trên nền tảng chuyên môn hoá từng bộ phận hoạt động sản xuất kinh doanh, từng hoạt động quản lý, thì nội dung kế toán quản trị được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế tài chính theo từng bộ phận chuyên môn hoá để phục vụ cho việc hoạch định, tổ chức thực hiện, kiểm tra và ra quyết định của nhà quản lý ở từng cấp quản trị.
Nội dung mô hình kế toán quản trị này thường gồm những lý luận và nghiệp vụ kỹ thuật cơ bản sau:
- Phân loại, kiểm soát, đánh giá chi phí theo từng phạm vi chuyên môn, hoặ cấp bậc quản trị.
- Xác định, kiểm soát, đánh giá giá thành sản phẩm, chủ yếu là giá thành trong từng quá trình sản xuất.
- Dự toán ngân sách hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm theo từng bộ phận và đánh giá trách nhiệm quản lý ở từng cấp bậc quản trị.
- Thu thập, phân tích dữ liệu, từ đó thiết lập thông tin thích hợp, phục vụ cho việc xây dựng giá bán, phương án kinh doanh ngắn hạn và dài hạn theo từng bộ phận, cấp bậc quản trị.
- Phân tích, dự báo chỉ số tài chính ở từng bộ phận hoạt động.
Với những doanh nghiệp có hệ thống quản lý chủ yếu dự trên nền tảng từng quá trình hoạt động (được hiểu là bao gồm tất cả các công đoạn, bộ phận như nghiên cứu và phát triển sản phẩm, sản xuất, dịch vụ, thiết kế, tiến trình sản xuất, sản phẩm, marketing, phân phối, dịch vụ sau phân phối hoặc bao gồm một nhóm công đoạn, bộ phận gắn kết nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh), thì nội dung kế toán quản trị được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin định lượng về tình hình kinh tế tài chính theo từng quá trình hoạt động để phục vụ cho việc hoạch định, tổ chức, phối hợp thực hiên, đánh giá hiệu quả của từng nhóm thực hiện quá trình hoạt động (những người có chuyên môn khác nhau cùng thực hiện một quá trình kinh doanh). Cụ thể là:
- Phân loại, kiểm soát, đánh giá chi phí theo từng quá trình hoạt động.
- Dự toán ngân sách của từng quá trình hoạt động và đánh giá hiệu quả của từng nhóm thực hiện quá trình.
- Thu thập, phân tích dữ liệu để xây dựng thông tin thích hợp, phục vụ cho việc lựa chọn từng quá trình hoạt động và phối hợp thực hiện của nhóm thực hiện quá trình.
- Phân tích, dự báo các chỉ số tài chính của thưo từng quá trình hoạt động.
Những giải pháp thực thi kế toán quản trị có hiệu quả
Kế toán quản trị được hình thành song song với kế toán tài chính nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ cho nhà quản lý. Để sử dụng hiệu quả công cụ này, doanh nghiệp cần chú ý một số vấn đề sau:
- Hệ thống kế toán quản trị không có một quy chuẩn pháp lý chung nào về hình thức lẫn nội dung báo cáo. Do đó, doanh nghiệp phải tự xây dựng một hệ thống chỉ tiêu kế toán quản trị cụ thể theo mục tiêu quản trị đặt ra. Các chỉ tiêu này phải đảm bảo so sánh được giữa các thời kỳ để đưa ra được các đánh giá chính xác về thực tế tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp có thể tham khảo các mô hình báo cáo, hệ thống chỉ tiêu của các tập đoàn kinh tế trên thế giới để áp dụng phù hợp với thực tế của mình.
- Doanh nghiệp cần xây dựng qui trình sản xuất thống nhất, thiết lập hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Điều này không những giúp doanh nghiệp chuẩn hoá hoạt động mà còn là cơ sở để cung cấp nguồn số liệu chính xác cho kế toán quản trị trong quá trình lập báo cáo. Chính sự thống nhất về bản chất số liệu sẽ giúp việc so sánh các chỉ tiêu hiệu quả hơn.
- Cần xây dựng một đội ngũ nhân sự làm công tác kế toán không những có chuyên môn nghiệp vụ mà còn có sự hiểu biết về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó mới có thể đưa ra các phân tích, đánh giá chính xác trên cơ sở số liệu thu thập được.
- Báo cáo của kế toán quản trị đựoc sử dụng kết hợp với các báo cáo khác của doanh nghiệp như báo cáo về thị trường, đối thủ cạnh tranh, công nghệ sản xuất… để có cái nhìn toàn diện hơn về các yếu tố đang tác động đến hoạt động của doanh nghiệp.
ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xử lý số liệu. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa sử dụng một hệ thống phần mềm quản trị thống nhất, mà chỉ mới áp dụng phần mềm kế toán, nên việc lấy số liệu chỉ dừng ở việc tận dụng nguồn thông tin từ kế toán tài chính, trong khi chưa có sự liên kết giữa các bộ phận khác nhau. Đây là một nguyên nhân khiến quá trình lấy số liệu bị sai sót và không kịp thời.
Theo Vacpa