Đối với hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ
Hợp đồng dịch vụ được điều chỉnh bởi Bộ luật dân sự 2005. Như vậy, trong trường hợp này, bên cung ứng dịch vụ (cộng tác viên) sẽ được hưởng các quyền lợi theo quy định tại Điều 523 bộ luật này. Bên cung ứng dịch vụ có các quyền sau đây:
– Yêu cầu bên thuê dịch vụ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện.
– Được thay đổi điều kiện dịch vụ vì lợi ích của bên thuê dịch vụ, mà không nhất thiết phải chờ ý kiến của bên thuê dịch vụ, nếu việc chờ ý kiến sẽ gây thiệt hại cho bên thuê dịch vụ, nhưng phải báo ngay cho bên thuê dịch vụ.
– Yêu cầu bên thuê dịch vụ trả tiền dịch vụ.
Trong trường hợp này, hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng dịch vụ nên bên cung ứng dịch vụ không phải là người lao động nên không áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Thêm vào đó, bên cung ứng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân 2014. Thông thường mức nộp thuế thường là 10%.
Đối với hợp đồng cộng tác viên là hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động được điều chỉnh bởi Bộ luật lao động 2012, theo đó người lao động được hưởng quyền lợi quy định của Bộ luật lao động về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể:
Về bảo hiểm xã hội: Theo điểm a, điểm b, Khoản 1, Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội 2014, đối tượng tham gia bảo hiễm xã hội bắt buộc bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng.
Trong đó, theo Khoản 1, Điều 124 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, đối tượng quy người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc kể từ ngày 1/1/2018.
Về bảo hiểm y tế: Người lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế là người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về lao động (trích Khoản 1, Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2014).
Về bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 43 Luật việc làm 2013, người lao động khi làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại tổ chức bảo hiểm xã hội.
Trường hợp người lao động giao kết nhiều hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật việc làm 2013 và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực đầu tiên mà khi chấm dứt hoặc thay đổi hợp đồng dẫn đến người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động giao kết có hiệu lực kế tiếp có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.