Nhận định này được ông Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đưa ra khi trao đổi với phóng viên xung quanh việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, trong đó có điều chỉnh tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá. Theo ông, mức đề xuất mà Chính phủ đưa ra có phù hợp với tình hình thực tế không?
Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc theo chiến lược quốc gia, một trong những biện pháp quan trọng nhất là sử dụng công cụ thuế đối với các sản phẩm thuốc lá. Ngay trong Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng đã có quy định: “áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”. Kinh nghiệm các nước cho thấy, biện pháp thuế đóng góp tới 50-60% vào việc giảm tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ tăng thuế một lần và ở mức thấp thì tiêu dùng chỉ giảm trong ngắn hạn, rồi tăng trở lại. Do đó, cần phải tăng thuế TTĐB đều qua các năm để đảm bảo theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Hiện, mức thuế TTĐB đối với thuốc lá của Việt Nam tính trên giá xuất xưởng là 65%, còn nếu tính trên giá bán lẻ, con số này chỉ chiếm 41,6%. So với các nước trong khu vực, thuế TTĐB đối với thuốc lá của Việt Nam hiện chỉ cao hơn Campuchia và đã không tăng suốt từ năm 2008 đến nay.
Trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này, mức thuế mà Chính phủ đưa ra (70% vào năm 2016 và 75% năm 2019) thậm chí còn thấp hơn mức tăng thuế ở giai đoạn 2006-2008 nên tác động tới tiêu dùng thuốc lá sẽ không đáng kể. Thậm chí, tiêu dùng sẽ chỉ giảm nhẹ vào năm tăng thuế và lại tiếp tục tăng ở các năm còn lại, do mức thuế tăng chậm hơn lạm phát và thu nhập bình quân đầu người. Như vậy, mức tăng thuế 5% như trong dự thảo luật đưa ra sẽ không có tác dụng nhiều tới việc giảm sử dụng thuốc lá. Hơn nữa, một trong những mục tiêu quan trọng của lộ trình thuế giai đoạn 2015-2018 là phải đạt được mục tiêu của chiến lược quốc gia về phòng chống thuốc lá đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do vậy, để giảm tiêu dùng cần phải tăng thuế đủ mạnh.
Theo tính toán của ngành y tế, cần tăng mức thuế lên 105% vào năm 2015, năm 2018 là 145% và đến năm 2020 cần tiếp tục xem xét điều chỉnh. Với lộ trình này, giá bán lẻ thực tế có thể tăng khoảng 7% trong giai đoạn 2015-2020, cao hơn mức tăng thu nhập bình quân đầu người trong cùng giai đoạn (4,8%), như vậy sức mua thuốc lá sẽ giảm.
Trong trường hợp không thể tăng thuế thuốc lá ở mức giúp đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, thuế TTĐB đối với thuốc lá cũng cần tăng ở mức giữ cho sức mua thuốc lá không tăng.
Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho rằng, tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá sẽ làm gia tăng tình trạng nhập lậu. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?
Hương vị (hay còn gọi là “gu hút”) sẽ tác động, quyết định nhiều hơn đến việc lựa chọn sử dụng thuốc lá lậu. Hơn nữa, phần lớn thuốc lá nhập lậu hiện nay đều có giá cao hơn so với thuốc lá được sản xuất trong nước, vì thế, việc tăng giá thuế không phải là lý do chính làm tăng buôn lậu. Số liệu của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam về thuốc lá lậu từ năm 2007 – 2013 cho thấy, số lượng thuốc lá buôn lậu tăng hay giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Số lượng thuốc lá lậu cũng có sự sụt giảm từ 870 triệu bao (năm 2009 – thời điểm sau khi tăng thuế năm 2008) xuống còn 750 triệu bao vào năm 2011. Trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng thuốc lá buôn lậu lại tăng đột biến tới 30%. Việt Nam cũng mới chỉ điều chỉnh thuế của các loại thuốc lá về một mức 55% vào năm 2006 và tăng lên 65% năm 2008, trong khi buôn lậu thuốc lá là vấn đề xảy ra từ nhiều năm nay. Cũng theo điều tra của Tổ chức Y tế thế giới, tại các nước có mức giá thuốc lá thấp, tình trạng buôn lậu xảy ra với mức độ cao hơn những nước có mức giá thuốc lá cao.
Từ thực tế tại Việt Nam cũng như các nước cho thấy, việc buôn lậu thuốc lá còn do rất nhiều nguyên nhân như hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu, năng lực kiểm soát tại các biên giới; mức độ minh bạch hay tham nhũng trong công tác phòng chống buôn lậu… Do đó có thể khẳng định rằng, lượng thuốc lá nhập lậu tăng hay giảm không liên quan đến các thời điểm tăng thuế. Đồng nghĩa quan điểm cho rằng tăng thuế TTĐB sẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu là hoàn toàn thiếu cơ sở. Vì thế, Nhà nước cần tăng cường kiểm soát buôn lậu thuốc lá thay vì do dự không tăng thuế, bởi các lợi ích sức khỏe và kinh tế đạt được từ việc tăng thuế lớn hơn rất nhiều so với các tổn thất về buôn lậu.
Theo ông ngoài việc tăng thuế TTĐB chúng ta cần có những giải pháp gì để công tác phòng chống tác hại thuốc lá đạt hiệu quả cao?
Để làm tốt công tác phòng chống tác hại của thuốc lá, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như tăng thuế, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc lá, thực thi nghiêm quy định cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm tiếp thị, quảng cáo, chống buôn lậu, bảo vệ quyền của người không hút thuốc… Muốn vậy, Nhà nước cần phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục sức khỏe, nâng cao ý thức cho người dân. Đối với các trường hợp vi phạm cần phải có chế tài xử phạt nghiêm. Nếu thực hiện tốt và đồng bộ các quy định này, công tác phòng chống tác hại thuốc lá mới đạt được mục tiêu như mong muốn.
Xin cảm ơn ông!
Kimi ST